Đại dịch Covid-19 đã mang lại nhiều khó khăn và thách thức nghiêm trọng cho các doanh nghiệp, doanh nhân trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Tuy vậy, bên cạnh những thách thức chưa từng có, Covid-19 cũng đem đến không ít bài học mới, tư duy mới, cách làm mới và đặc biệt là các cơ hội mới. Vấn đề là chúng ta có dám đối mặt với hiện thực và can đảm bước qua các rào cản tư duy xưa cũ hay không?
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều hội viên của Hội Doanh nghiệp Trẻ Hà Nội (HANOIBA) cũng phải đứng trước những bài toán sống còn, đối mặt với nguy cơ phá sản. ''Ngồi chờ Covid tới nhấn nhìm hay coi Covid là động lực lớn lao, nắm bắt cơ hội để thay đổi và bứt phá?'', luôn là câu hỏi trăn trở cho Ban lãnh đạo Hội thời gian qua. Với sức trẻ, sự ứng biến linh hoạt, Ban lãnh đạo HANOIBA đã liên tục tổ chức họp bàn để xây dựng các kế hoạch hỗ trợ hội viên thông qua các nền tảng trực tuyến.
Ngày 30/7, Ban Đào tạo HANOIBA đã tổ chức chương trình hỗ trợ trực tuyến hội viên CEO Exchange số 01 với chủ đề "Cơ hội nào cho Sales & Marketing thời Covid". Các diễn giả chương trình gồm ông Lê Quốc Vinh - Phó Chủ tịch CLB Giám Đốc Sales & Marketing Việt Nam (CSMO Vietnam); Chủ tịch Le Group of Companies; ông Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng) - Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group; ông Tăng Văn Khanh - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư K&G Việt Nam (thương hiệu thời trang Aristino). Nội dung chương trình tập trung vào các vấn đề truyền thông và markting kết nối con người với con người trong thời đại số; làm thế nào để chiếm lĩnh thị phần mạng; chuyển đổi mô hình kinh doanh thời Covid...
Làm thế nào để kết nối thương hiệu - khách hàng với tư cách là một con người"
Theo ông Lê Quốc Vinh, H2H Communication hiện đang là chủ đề "hot" trên thế giới, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 hoành hành làm đứt gãy các mối quan hệ xã hội. Phó Chủ tịch CSMO Vietnam lý giải, khi đứt gãy các mối quan hệ xã hội, chúng ta càng làm mọi cách để có thể liên lạc, để có thể giao tiếp với nhau một cách hữu hiệu hơn.
"Ngày nay chúng ta nếu muốn kết nối lại với nhau thì không chỉ đơn giản là kết nối giữa thương hiệu với tư cách là một tổ chức, một doanh nghiệp, một sản phẩm, một dịch vụ, mà chúng ta phải ứng xử như là một con người. Để làm sao có thể kiến tạo được mối quan hệ giống như cách mà chúng ta có thể kết bạn", ông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh.
Lấy ví dụ về thương hiệu TokyoLife khi có 172 người khuyết tật cùng nhau làm ra những con thú móc len rất đẹp đeo khẩu trang trong mùa dịch Covid-19, ông Lê Quốc Vinh nhìn nhận đây là một công cụ truyền thông rất hiệu quả, đánh thẳng vào cảm xúc của con người. Khách hàng mua những sản phẩm này không chỉ vì muốn có một thứ đồ chơi mà có sự cảm nhận, kết nối trong thời dịch. Điều này mang những ý nghĩa nhân văn, cảm giác tích cực cho khách hàng.
"Giải pháp truyền thông marketing ngày nay phải đi thẳng vào những vấn đề mà công chúng quan tâm. Đó là những vấn đề về khả năng mua hàng, sức khỏe, xã hội, môi trường...", Phó Chủ tịch CSMO Vietnam đúc kết. Đồng thời cho rằng những doanh nghiệp nào đáp ứng được các mối lo lắng trên của khách hàng sẽ được chấp nhận.
Về H2H Communication, theo ông Lê Quốc Vinh gồm: Human Centric - Lấy con người làm trung tâm; Data-Driven - Ứng dụng giải pháp số để đọc được hành vi của khách hàng thông qua bigdata; Personalization - Giải pháp để cá thể hóa các thông điệp truyền thông; Humanity - Tính nhân văn khi xây dựng chiến lược truyền thông. Để thực hiện thành công H2H Communication, Phó Chủ tịch CSMO Vietnam giới thiệu đến các hội viên HANOIBA mô hình truyền thông 5I, trong đó chú trọng vào kết nối khách hàng, làm khách hàng quan tâm đến hoạt động của thương hiệu; tạo ra hành động tương tác từ phía khách hàng để họ chia sẻ thông điệp truyền thông của mình; biến khách hàng từ đối tượng truyền thông thành người vận động cho thương hiệu và chia khách hàng thành các nhóm rất nhỏ để truyền tải thông điệp đặc trưng.
Chia sẻ về internet trong thời đại ngày nay, ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group nhìn nhận mức độ ảnh hưởng của internet rất khủng khiếp sau 24 năm xuất hiện tại Việt Nam. Một trong những thay đổi lớn nhất là ở lĩnh vực marketing.
Dẫn ví dụ thực tế, Shark Hưng cho biết thống kê cho thấy 1 người trưởng thành mất khoảng hơn 6 giờ/ngày vào màn hình cho đủ loại nhu cầu; 40% nhu cầu dùng điện thoại dành cho giao tiếp. Trong khi đó các thiết bị và giao diện, băng thông và tốc độ internet liên tục được cải thiện; Big data tạo ra mạng dữ liệu khổng lồ... Những sự cải tiến liên tục như trên đã tạo ra cuộc cách mạng về truyền thông và thị phần trên internet.
"Tất cả những sự thay đổi của công nghệ, hành vi đã tạo nên 5 "chiến địa" kinh doanh, đó là vấn đề Khách hàng - Cạnh tranh - Dữ liệu - Đổi mới sáng tạo - Tạo ra giá trị", Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group đánh giá.
Chia sẻ thêm với hội viên HANOIBA, Shark Hưng lưu ý, trước đây giá trị do doanh nghiệp tạo ra, giờ đây là 2 chiều. Ngày xưa hiệu quả dựa trên quy mô, nay dựa trên giá trị. Trước đây chúng ta quan tâm đến đối thủ trong ngành, giờ đối thủ là sản phẩm thay thế giữa các ngành. Lợi nhuận bây giờ chỉ là tạm thời, nền tảng mới là mãi mãi.
Do vậy chiến lược của doanh nghiệp hiện tại là phải: Chiếm lĩnh được mạng lưới khách hàng; Xây nền tảng, không chỉ xây sản phẩm; Biến dữ liệu từ nguyên liệu thành tài sản; Đổi mới bằng thử nghiệm nhanh và Điều chỉnh tuyên bố giá trị.
"Trong thời đại cách mạng số, mọi thứ đều có thể bị hủy diệt, chỉ có sự hoang tưởng tưởng là tồn tại", Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group hóm hỉnh gửi gắm đến hội viên HANOIBA tham gia CEO Exchange số 01.
Ảnh: ông Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng) - Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group
Trí tuệ - Niềm tin - Sự bền trí
Khác với 2 diễn giả đi trước, ông Tăng Văn Khanh - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư K&G Việt Nam đã đưa đến cho CEO Exchange số 01 những câu chuyện thực tế, đúc rút từ kinh nghiệm của thương hiệu thời trang Aristino. Khi đại dịch Covid-19 xảy đến, tất cả hoạt động PR, marketing truyền thống đều bị "tắc nghẽn", đặt ra cho các doanh nghiệp những sự thay đổi để thích ứng. Với Aristino, marketing không chỉ là công cụ để định vị thương hiệu.
Theo đó, thương hiệu này đã trải qua 4 lần tái định vị, lần lượt từ thị trường đồ lót - thời trang công sở - thương hiệu thời trang cao cấp dành cho nam - thương hiệu thời trang cao cấp dành cho nam với phong cách thiết kế châu Âu, lấy cảm hứng từ chính đất nước con người Việt Nam. Với định vị hiện tại, ông Tăng Văn Khanh nhận định khá giống với H2H Communication mà Phó Chủ tịch CSMO Vietnam chia sẻ ở phần trước.
Theo ông Tăng Văn Khanh, hiện nay đang có một sai lầm mà nhiều thương hiệu mắc phải. Chúng ta đang dồn marketing để kéo khách hàng mới mà quên đi rằng sau lần đầu tiên mới là cái quan trọng của marketing.
"Chúng ta tốn rất nhiều chi phí để tạo ra các tệp khách hàng mới, trong khi chúng ta để quên lượng khách hàng cũ, không được chăm sóc, không được kết nối một cách thực sự. Việc chúng ta tiếp xúc với khách hàng lần đầu tiên chỉ là bước đệm. Việc chăm sóc khách hàng mới là cái cần phải đầu tư...", Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư K&G Việt Nam nói.
Chia sẻ về bước chiến lược của Aristino, ông Tăng Văn Khanh cho hay, công ty đã nỗ lực chuyển đổi mô hình kinh doanh từ truyền thống sang mô hình bán lẻ hiện đại hóa. Đồng thời đang xây dựng và đặt mục tiêu trong năm 2022 có thể vận hành được mô hình O2O (Online - To - Offline) một cách hiệu quả, để khách hàng có thể trải nghiệm được tất cả sự hòa quyện giữa hai nền tảng online và offline.
Ông chủ nhãn hiệu thời trang Aristino dẫn câu nói của CEO Cocacola: "Để xây dựng thương hiệu chúng ta cần Trí tuệ - Niềm tin - Sự bền trí" để lưu ý các hội viên HANOIBA trong việc xây dựng chiến lược marketing thời điểm hiện nay.
(theo Kinhtedothi)