XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI NỘI KHỐI – CHỦ ĐỀ “PHƯƠNG ÁN TỐI ƯU GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19”
Tác giảAdministrator

Chủ đề "Phương án tối ưu giải quyết tranh chấp thương mại trong đại dịch Covid-19" do HANOIBA tổ chức

Ngày 05/05, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đã tổ chức chương trình Xúc tiến Thương mại nội khối với Chủ đề “Phương án tối ưu giải quyết tranh chấp thương mại trong đại dịch Covid-19”. Chương trình được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của gần 40 Doanh nghiệp Hội viên HANOIBA.

Là chương trình định kỳ được tổ chức hàng tháng, được khởi xướng và bắt đầu triển khai từ năm 2018, tuy nhiên, đây là chương trình Xúc tiến Thương mại nội khối đầu tiên của năm 2020 được HANOIBA tổ chức kể từ đại dịch Covid-19 tràn qua do những cản trở của dịch bệnh. Nhấn mạnh tại chương trình, anh Trần Đăng Nam – Phó Chủ tịch HANOIBA cho biết chương trình sẽ tiếp tục được đẩy mạnh triển khai trong năm 2020 để tạo cơ hội cho các Doanh nghiệp Hội viên có cơ hội trao đổi, tương tác, tìm kiếm bạn hàng, thúc đẩy bán hàng và phát triển thương hiệu.
Tại chương trình, hai Hội viên HANOIBA là MBBank và Viettel Hà Nội đã đưa ra những gói hỗ trợ sản phẩm đặc biệt dành riêng cho các Hội viên HANOIBA. Theo đó, MB Bank Trần Hưng Đạo đưa ra chương trình SME CARE hỗ trợ đặc biệt cho Hội viên HANOIBA bao gồm: Gói hỗ trợ tài chính như Combo chuyển tiền trong và ngoài hệ thống MB với giá trị 0 đồng cho tất cả các thành viên (có thời hạn 1 năm), Gói Combo chuyển tiền quốc tế tiết kiệm đến 50% chi phí thông thường, gói tín dụng 7.000 tỷ ngắn hạn lãi suất ưu đãi chỉ từ 6.5%/năm, gói tín dụng trung dài hạn lãi suất ưu đãi chỉ từ 8%/năm, gói trả lương qua tài khoản tín chấp …; Gói hỗ trợ truyền thông giúp Doanh nghiệp được quảng bá sản phẩm/thương hiệu miễn phí tại các sân bay, tòa nhà, thang máy; Gói hỗ trợ lãi suất 20.000 tỷ dành cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi Covid, hoặc cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng cùng nhiều sản phẩm và tiện ích nổi trội khác.
Với các dịch vụ của Viettel Hà Nội như Tem điện tử, Hóa đơn điện tử, Văn phòng điện tử thông minh, Hệ thống quản lý phân phối, Dịch vụ nhắn tin thương hiệu, Giám sát hành trình, Hợp đồng điện tử, Viettel Hà Nội sẽ có chính sách giảm giá từ 30-50% so với giá thông thường – tùy thuộc vào từng loại dịch vụ cụ thể.
Các bên cũng cam kết rằng sẽ nghiên cứu sâu hơn các nhu cầu của Doanh nghiệp để đưa ra những chính sách ưu đãi cụ thể, hợp lý cho các Hội viên HANOIBA thông qua biên bản ghi nhớ.


Cũng tại Tọa đàm “Phương án tối ưu giải quyết tranh chấp thương mại trong đại dịch Covid-19, liên quan đến những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid đến việc thực hiện các hợp đồng kinh tế, có sự chia sẻ của anh Phan Trọng Đạt – Phó Giám đốc Thường trựcTrung tâm Hòa giải Việt Nam và Luật sư Lưu Xuân Vĩnh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Asia Legal về việc lựa chọn các phương án giải quyết tranh chấp thương mại phù hợp để tránh tối đa thiệt hại cho Doanh nghiệp. Một số tình huống giải quyết tranh chấp thực tế cũng đã được Diễn giả và các Doanh nghiệp trao đổi dưới sự dẫn dắt và điều phối của anh Cao Thế Anh – Phó Chủ tịch HANOIBA.

Theo anh Phan Trọng Đạt, thực tế hiện nay có 4 phương pháp giải quyết tranh chấp thương mại từ cấp độ thấp đến cấp độ cao, cụ thể là Thương lượng, Hòa giải và sau đó là hoặc thông qua Trọng tài hoặc Tòa án.  Với biện pháp Thương lượng, ngoài ưu điểm là đỡ tốn kém chi phí và thời gian thì nó còn nhược điểm là tính Cam kết yếu, Khó thi hành và cần phải đảm bảo chứng cứ để thực hiện các hình thức tố tụng tiếp theo nếu đối tác không thực hiện nghĩa vụ mà 2 bên đã thỏa thuận. Giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài và Tòa án là biện pháp được sử dụng khá nhiều, tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là mất nhiều thời gian, quy trình tố tụng dài, tốn kém chi phí của Doanh nghiệp.
Với biện pháp hòa giải, đây là biện pháp được sử dụng rất phổ biến trên thế giới. Thống kê tại Singapore cho thấy, 83% vụ việc giải quyết thông qua hòa giải đã thành công. Tại Việt Nam, đây là một phương pháp mới và thực tế trước đây không có Trung tâm hòa giải và cũng thiếu các Hòa giải viên, luật thì chưa có hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, gần đây, Luật đã nới lỏng, đã có nghị định cho phép các Trung tâm hòa giải được thành lập và thực hiện các biện pháp hòa giải đối với các tranh chấp trong hợp đồng thương mại.
Theo các Diễn giả, khi có tranh chấp, trước hết, để tránh thiệt hại cho cả hai phía, hai bên cần ngồi lại thương lượng với nhau và biện pháp giải quyết thông qua hòa giải nên được Doanh nghiệp cân nhắc lựa chọn. Hòa giải viên ngoài việc nắm được pháp luật, họ cũng là người có kiến thức ngành nghề, có nguyên tắc đạo đức để tham gia các cuộc họp chung của các bên để tìm tiếng nói chung để giải quyết tranh chấp. Một ưu điểm khác của biện pháp Hòa giải là biện pháp này không cần đưa trước vào điều khoản trong hợp đồng như biện pháp Trọng tài.
Trong quá trình xử lý tranh chấp, các điều khoản bất khả kháng cũng được xem xét để đưa ra bàn luận, đặc biệt, đại dịch Covid-19 một số chủ trương của Nhà nước đưa ra nhằm ngăn chặn dịch bệnh đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh và thực hiện hợp đồng của Doanh nghiệp. Nhiều câu hỏi đặt ra rằng, dịch bệnh có được coi là bất khả kháng hay không? Dưới góc độ pháp lý, các Diễn giả phân tích rằng, bất khả kháng chỉ được công nhận khi mà tất cả các biện pháp thay thế đều không thực hiện được hoặc nếu thực hiện được thì tốn quá nhiều chi phí ảnh hưởng nghiêm trọng đến Doanh nghiệp thực hiện và Doanh  nghiệp phải có nghĩa vụ chứng minh được việc không thực hiện được các biện pháp thay thế. Như vậy, Doanh nghiệp, nếu chịu tác động của Covid-19, Doanh nghiệp cần phải xem xét, thông báo cho đối tác và ngồi lại cùng đối tác cùng tháo gỡ khó khăn, tìm cách giải quyết chứ không được thoái thác. Chia sẻ tại chương trình, anh Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Công ty CP A&A Hàng hóa cho rằng, từ những kinh nghiệm làm việc với các đối tác nước ngoài, khi kinh doanh, cần đặc biệt lưu ý trong việc lựa chọn đối tác cũng như lựa chọn phương thức thanh toán để tránh tối đa các rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng.

 
 
 
 

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận