Ngành nông nghiệp đối mặt nhiều thách thức khi Việt Nam tham gia EVFTA
Tác giảAdministrator

Do hàng rào thuế dần được cắt giảm nên mức độ cạnh tranh gia tăng mạnh, những quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu cũng ngày càng chặt chẽ và cao hơn.


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Ngày 25/6, Hội đồng châu Âu đã thông qua quyết định ký Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hai hiệp định này dự kiến sẽ được ký vào ngày 30/6/2019 tại Hà Nội. 

Khi được đưa vào thực thi, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. 

Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ,... là rất đáng kể. 

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, con số này là 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định.

Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Sau khi hiệp định này có hiệu lực, nhóm hàng thịt trâu bò tươi, ướp lạnh, đông lạnh, thịt heo tươi, đông lạnh... thuế về cơ bản sẽ giảm xuống còn 0%.

Đối với mặt hàng rau quả, 530/556 dòng thuế cũng về 0% khi hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh đó, 93% sản phẩm cà phê, hồ tiêu cũng sẽ được miễn thuế khi hiệp định EVFTA đi vào thực thi.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, EVFTA tiếp tục là một trong những FTA thế hệ mới được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam "thay da đổi thịt". Đây còn là cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Bên cạnh những cơ hội rất lớn mà ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung có được, những thách thức phải đối mặt cũng không hề nhỏ, đặc biệt là áp lực cạnh tranh và hàng rào phi thuế quan của các thị trường nhập khẩu.

TS. Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược nông nghiệp phát triển nông thôn nhìn nhận, do hàng rào thuế dần được cắt giảm nên mức độ cạnh tranh gia tăng mạnh. Các quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ và cao hơn khi giảm thuế. 

Việt Nam cũng sẽ phải đảm bảo tuân thủ các quy định khác về sở hữu trí tuệ, lao động, minh bạch hóa thông tin. Việc tuân thủy các quy định các quy định của các nước nhập khẩu về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn về xã hội, lao động... sẽ là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt tự chấn chỉnh mình để phát triển khi việc quản lý và thực thi các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm trong nước hiện vẫn còn hạn chế.

Ngành nông nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn như sản xuất còn mang tính manh mún, thời tiết khắc nghiệt cũng như thời gian hội nhập, đổi mới của nền kinh tế còn ngắn trong khi phải đi cạnh tranh với những đất nước có tài nguyên đất mênh mông, với những nước có bề dày kinh tế, có chiều sâu và đã hoàn thiện thể chế.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Để tận dụng được các lợi thế, cơ hội và khắc phục khó khăn, ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP và EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan, yêu cầu về chất lượng, quy tắc xuất xứ hàng hóa…”. 

Ông Cường cho rằng công tác đào tạo nguồn nhân lực để chủ động thích ứng với hội nhập cần được chú trọng, đặc biệt là lực lượng làm tư pháp để chủ động bảo vệ, đấu tranh bênh vực quyền lợi ngành hàng, sản phẩm nông sản một cách chính đáng. 

Với vị thế là nước đứng đầu trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông sản như cà phê đứng thứ hai thế giới, gạo đứng thứ ba thế giới, thủy sản đứng thứ tư thế giới, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, không có giới hạn cho năng lực sản xuất nếu có thể tận dụng tối đa cơ hội về thị trường và có được điều kiện để tái cơ cấu, đưa công nghệ và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, hữu cơ và gắn với việc hình thành phát triển các chuỗi giá trị. 

TS. Trần Công Thắng cũng khuyến nghị cần đẩy mạnh chế biến rau quả, thủy sản, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu. Doanh nghiệp cần tăng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh của gia trại, trang trại, sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểm soát chặt chẽ sử dụng hóa chất trong sản xuất.

Ngành nông nghiệp cũng cần chú trọng quản lí chất lượng theo chuỗi, nguồn gốc xuất xứ, mã vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lý...

(Theo TheLeader)

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận