Chuyên gia Phạm Chi Lan: Có thể áp dụng cơ chế 'máy chém' để cắt giảm giấy phép con
Tác giảAdministrator

"Khi đã có rà soát, có danh mục điều kiện kinh doanh cần cắt giảm tại sao Nhà nước không quyết định được mà phải chờ các bộ, ngành thực hiện, Nhà nước cần phải chủ động trong việc này", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận.

Báo cáo thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 về Cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp – Góc nhìn từ doanh nghiệp do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cho thấy, các doanh nghiệp đều nhìn nhận môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây có sự cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, mức độ thực chất của việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh không đồng đều giữa các bộ, thậm chí không đồng đều giữa các lĩnh vực khác nhau của cùng một bộ.

Trong 11 lĩnh vực, thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng là hai lĩnh vực được đánh giá tốt nhất. Trong khi đó, các lĩnh vực về thủ tục xuất nhập khẩu, bảo vệ nhà đầu tư và phá sản doanh nghiệp được cho là không có cải thiện đáng kể.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, thông thường, lãnh đạo các bộ sẽ giao cho Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cục, vụ trong bộ để tiến hành rà soát, đề xuất phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh. Vụ Pháp chế của bộ nào có phương pháp làm việc khoa học thì chất lượng các Nghị định được bảo đảm tốt hơn.

“Vụ Pháp chế không làm tốt, chất lượng văn bản phụ thuộc rất nhiều vào cục, vụ chuyên môn sẽ dẫn đến việc cắt giảm một cách hình thức, không thực chất hoặc không đồng đều về tiêu chí cắt giảm trong cùng một nghị định", ông Tuấn lý giải.

Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện VCCI cho biết, việc phải xin các giấy phép con vẫn diễn ra phổ biến và gặp nhiều khó khăn. Theo kết quả điều tra PCI 2017, có đến 58% tổng số doanh nghiệp phản hồi phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện, trong đó, có 42% doanh nghiệp cho biết có gặp khó khăn khi xin những giấy phép loại này.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương nhìn nhận, kết quả thực chất của quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh không đạt như mong đợi, chỉ đạt được khoảng 40 - 50%. 

“Quá trình cắt bỏ giấy phép mất rất nhiều thời gian, rất khó khăn và gian khổ nhưng quá trình phục hồi lại rất nhanh, mức độ cài cắm sau mỗi lần phục hồi lại tinh vi hơn”, ông Cung cảnh báo.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định, việc cắt giảm là có nhưng con số này còn rất thấp nhất là trên thực tế.

Bà Lan cho rằng, việc cải cách môi trường kinh doanh không chỉ có trách nhiệm từ phía địa phương mà còn phải từ phía các bộ, ngành vì nếu các bộ, ngành không tích cực hoặc không được đánh giá trực diện thì tình trạng sẽ kéo dài, các bộ không làm, địa phương cũng sẽ không thể làm được. 

Vị chuyên gia kinh tế này cũng đề nghị, Nhà nước nếu cần thiết có thể khôi phục cơ chế "máy chém", học tập theo kinh nghiệm của Hàn Quốc ở giai đoạn khủng hoảng cuối thập niên 90 thế kỷ trước. 

"Bảo cắt giảm 50% thì cứ thế mà cắt, khi đã có rà soát, có danh mục những điều kiện kinh doanh cần cắt giảm tại sao Nhà nước không quyết định được mà phải chờ các bộ, ngành thực hiện, Nhà nước cần phải chủ động", bà Lan nói. 

Để làm được điều này, bà Lan đề xuất đưa ra một nghị định mới về cắt giảm một loạt điều kiện kinh doanh và có thời hạn rõ ràng. Nếu các bộ không cắt giảm thì một loạt điều kiện đã được rà soát sẽ tự động bị cắt giảm. 


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

"Tôi mong sau năm 2020 sẽ không còn cần tới Nghị quyết 19, Chính phủ không phải cầm tay chỉ việc cho từng địa phương. Xã hội đang thay đổi rất nhanh chúng ta không có thời gian để cứ làm mãi thế này", bà Lan chia sẻ. 

Theo bà Lan, mục tiêu cần theo đuổi là làm sao cải thiện được môi trường kinh doanh để có thể so sánh với các nước trong EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU), CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), không thể cứ mãi so sánh với các nước ASEAN nhưng không tham gia được vào ASEAN 4. 

Theo đó, cạnh tranh trong thời gian tới sẽ diễn ra rất mạnh mẽ, Việt Nam cần phải nhìn nhận đang yếu kém thế nào để vượt lên thay vì chỉ biết tính toán các chỉ số để tạm hài lòng.

Đặc biệt, chúng ta hay nói "trên nóng dưới lạnh" nhưng bà Lan hy vọng ở trên cần nóng hơn nữa, yêu cầu về cải cách thể chế phải mạnh mẽ hơn, "không thể để tình trạng trên nóng dưới thì lạnh tanh lạnh ngắt, không thể để cấp dưới cứ quấy nhiễu, ảnh hưởng cả bộ máy".

Thậm chí có thể phải đào thải những người không có khả năng, gây tốn kém, lãng phí và làm ảnh hưởng đến uy tín và danh tiếng của Nhà nước.

Bà Lan cũng đề xuất, về công cụ, cần tập trung cải cách hành chính cho bộ máy, nếu không sẽ không thể tạo động lực hay áp lực để cắt bỏ điều kiện kinh doanh. Theo đó, cần đặt ra các tiêu chuẩn, tiêu chí cho bộ máy để tránh việc tái mọc của các điều kiện kinh doanh.

Ngoài ra, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, tránh thực trạng một cửa nhưng nhiều ngách, công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ tạo tính minh bạch và tính giải trình. 

Theo TheLeader.vn/ Quỳnh Chi

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận